Thiết lập vòng lặp
Bạn đã hoàn thành bài viết. Nhưng có điều gì thực sự hoàn thành?
Hóa ra, cuộc đời là chuỗi những việc lặp đi lặp lại, khó xác định điểm khởi đầu và kết thúc. Viết lách cũng vậy. Thật khó để biết khoảnh khắc đặt dấu chấm kết bài là điểm kết thúc, hay đó mới là khởi đầu.
Cơ thể và tâm trí của bạn đã tập trung cho bài viết cũ và bạn đã hoàn thành nó. Nhưng việc này có thể mang lại cảm giác trống rỗng bởi tâm trí bạn quay trở lại trạng thái thiếu vắng mục tiêu. Hoang mang về chuyện bắt đầu và kết thúc có thể liên quan mật thiết tới sự thiếu vắng chiến lược. Vì vậy, xây dựng chiến lược lâu dài có thể giúp tâm lý bạn ổn định hơn trên hành trình phát triển bản thân.
Thành Rome không được xây trong một ngày
Khi một người cảm thấy thiếu thời gian, không phải kiểu:
"Tôi có 8.760h một năm và bấy nhiêu đó không đủ để tập thể dục".
Ta cần tập thể dục mỗi ngày, vì vậy:
"Tôi không thể dành ra đủ 2h mỗi ngày để tập thể dục, vì tôi quá bận rộn".
Vì lẽ đó, bố mẹ các bạn có thể từ chối nuôi thêm mèo bởi họ cần có thêm cam kết với chú mèo ấy mỗi ngày, trong nhiều năm tới, và họ không sẵn sàng làm vậy. Tất cả mọi người đều có 24h mỗi ngày và phần nhiều trong đó đã dành cho những việc lặp lại như ngủ, vệ sinh, di chuyển, ăn uống, gia đình, giải trí... Thành ra, bất kỳ công việc hay mối quan hệ ý nghĩa nào được ta lựa chọn cũng lấy bớt đi một phần trong 24h của ta, mỗi ngày. Điều này cũng là một phần của chủ nghĩa tối giản, vì nhiều người nhận ra mỗi khi họ nhặt lên một thứ, nó không chỉ chiếm lấy một phần nhỏ trong cuộc đời họ. Nó chiếm lấy một phần mỗi ngày, trong suốt cuộc đời họ! Và việc đó đôi khi thật kiệt sức, nhất là với một người có thói quen nhặt mọi thứ vô tội vạ.
Những người lên kế hoạch kém vì thế không phải sẽ loay hoay và bận rộn tới mức không thể làm thêm việc. Trên thực tế, họ thường mắc kẹt trong lịch trình với đầy các khoảng thời gian chết lãng phí. Họ có thể dùng ngày nghỉ của mình cho các chuyến du lịch bộc phát ngắn ngày, hoặc vài tiếng sau giờ cơm để lướt TikTok giải trí. Nhưng họ không thể dùng chúng cho các hoạt động hay mối quan hệ sâu sắc hơn. Phát triển kỹ năng, xây dựng mối quan hệ hoặc sáng tạo những sản phẩm phức tạp yêu cầu sự cam kết lâu dài và sự lặp lại một cách thống nhất. Thành ra, một vài cuối tuần rảnh rỗi hay những hôm vô tình rảnh rỗi sẽ chỉ dẫn ta tới các thú vui ngắn hạn. Ta làm chúng như một cách đối phó với tình trạng căng thẳng vì cảm giác mình đang không có thời gian cam kết cho việc cần làm.
Viết lách cũng là kỹ năng sẽ chiếm lấy một phần mỗi ngày của bạn. Vì vậy, nếu một ngày của bạn đã bị tranh giành và "đặt chỗ trước" bởi các ông chủ tư bản, thói quen sinh hoạt, các mối quan hệ cần thiết hay những nghĩa vụ xã hội khác, việc viết có lẽ cũng chỉ tồn tại trong tâm trí bận rộn của bạn chứ mãi chẳng thể sống với bạn mỗi ngày. Nếu nó không sống, vậy nó có tồn tại?
Do đó, nếu bạn thực sự yêu thích, hoặc ít nhất tin tưởng, việc viết lách, vậy bạn cần vạch ra một khoảng thời gian lặp lại mỗi ngày cho nó. Đó có thể là một giờ hoặc ba mươi phút, hay thậm chí mười phút, nhưng nó phải được duy trì mỗi ngày.
Trước hết, ta cần thiết lập vòng lặp để cơ thể và tâm trí của mình quen thuộc và cam kết với nó. Tiếp theo, ta điều chỉnh vòng lặp này để giúp cơ thể và tâm trí triển khai nó theo cách ngày càng hiệu quả.
That's it!
Nghệ thuật của những việc lặp đi lặp lại
Ta giỏi những việc ta đã quen làm đi làm lại.
Trong thiết kế game, lĩnh vực tôi cũng có tham gia, vòng lặp là thứ cần được thiết kế để người chơi gắn bó với trò chơi. Thoạt đầu, sự hứng thú và thử thách là cần thiết để một người đắm chìm vào hoạt động xa lạ họ chưa có kinh nghiệm. Ở bước khởi đầu, như tôi đã hướng dẫn các bạn khi bắt đầu viết, chủ yếu cần giữ cho cơ thể đừng quá căng thẳng đến mức không dám thử. Thế nên, cảm xúc tích cực, sự đơn giản, sự rõ ràng và sự động viên/hướng dẫn hợp lý là thứ cần ưu tiên.
Nhưng khi họ đã quen, tức não họ đã quen với các khuôn mẫu và nhìn ra vòng lặp (loop), có nhiều vấn đề khác cần giải quyết.
Đầu tiên, phải đảm bảo vòng lặp này càng đơn giản và càng dễ nhớ càng tốt. Vòng lặp phải đủ rõ ràng và đơn giản để sau vài lượt chơi, người chơi dần biết cách tự vận hành và hiểu mình cần làm gì. Các loại cờ nổi tiếng có tuổi đời hàng trăm hàng nghìn năm như cờ vua, cờ tướng, cờ vây là ví dụ cho thấy thiết kế trò chơi tốt. Chúng dễ chơi, nhưng khó để trở thành bậc thầy. Học cách chơi cờ trước hết là học cách các vận hành các ván cờ lặp đi lặp lại. Sau đó, khả năng của mỗi người lại giúp họ đào sâu hơn, tìm kiếm cách chơi tốt nhất ở mỗi vòng lặp.
Tuy nhiên, ở các lần lặp lại, họ cần có những hiểu biết hoặc trải qua cảm xúc mới, để cảm thấy hứng thú và tiếp tục chơi lại. Vì vậy, việc thứ hai là đảm bảo vòng lặp này đem tới các hiểu biết và trải nghiệm sâu sắc hơn, thay vì cảm thấy nhàm chán.
Ở #W4GZ, tôi cung cấp cho các bạn một vòng lặp đơn giản:
Lên kế hoạch và thiết lập mục tiêu bài viết rõ ràng -> Vạch ra dàn ý sơ lược về những điều mình muốn viết -> Nghiên cứu tài liệu để chuẩn bị cho các ý mình đã triển khai -> Viết bài -> Biên tập
Ở công đoạn "viết bài", lại gồm các vòng lặp nhỏ khác, còn đơn giản hơn nữa:
Hoàn thành đoạn: Tập trung và ý chính/tuyên bố luận của đoạn đó -> Hoàn thành từng câu liên quan tới ý chính -> Biên tập
Hoàn thành từng câu:
Tập trung vào ý chính của câu -> Thiết lập các cặp chủ ngữ - vị ngữ để làm rõ ý chính -> Lựa chọn từ ngữ có sắc thái thích hợp -> Biên tập
Nắm rõ quy trình này đến mức cơ thể cảm thấy sẵn sàng và quen thuộc để làm chúng, nghĩa là bạn đã học được 50% kỹ năng viết. 50% còn lại, bạn sẽ học được thông qua việc làm đi làm lại quy trình đã học.
Cải tiến vòng lặp
Làm việc có quy trình đem tới nhiều lợi ích, nhưng lợi ích lớn nhất là bạn có thể cải thiện được quy trình đó theo thời gian. Không có vòng lặp và quy trình cụ thể, chỉ hành xử theo cảm tính hoặc bộc phát ngẫu nhiên, bạn có thể vẫn đạt được điều mình muốn. Tuy nhiên, bạn không chắc chắn mỗi khi cần làm lại việc ấy, cũng không biết phải xử lý thế nào khi vấn đề nảy sinh. Điều này khiến bạn cảm thấy kiệt sức khi nghĩ về sự phát triển trong tương lai.
Trong thiết kế game hay mô hình kinh doanh, nhà thiết kế phải trình bày được vòng lặp để nhà đầu tư/nhà phát hành cân nhắc. Bởi từ vòng lặp này, người ta có thể dự đoán được hiệu quả của mô hình trong thời gian dài cùng khả năng mở rộng và tính nhất quán của nó.
1. Cải tiến hiệu suất và tốc độ nhờ luyện tập
Sau khi đã quen với quy trình và khuôn mẫu, bộ não và cơ thể của bạn sẽ bớt áp lực mỗi khi viết. Việc luyện viết thường xuyên giúp các bạn làm các bước trong quy trình nhanh hơn, hiệu quả hơn và ít mệt mỏi hơn.
Từ đây, vòng lặp của việc viết sẽ chiếm ít thời gian mỗi ngày của bạn hơn. Điều này dẫn tới các hệ quả:
Bạn tốn ít thời gian hơn cho việc viết và có thể viết nhiều hơn trên cùng khoảng thời gian, dẫn tới vòng lặp có hiệu suất tăng cường ngày càng cao
Bạn tốn ít thời gian hơn cho việc viết và có nhiều thời gian hơn để thiết lập các vòng lặp khác để cam kết mỗi ngày. Các vòng lặp này sẽ làm giàu kỹ năng viết của bạn theo cách này hoặc cách khác.
Bạn viết hiệu quả hơn và có thể đầu tư nhiều thời gian hơn cho việc này. Điều này giúp bạn bước tới những nấc thang cao hơn của kỹ năng viết.
Trong quá trình luyện tập, cơ thể của bạn sẽ nắm bắt được nhiều khuôn mẫu và vấn đề khác bạn chưa từng hình dung được. Việc theo đuổi vòng lặp đảm bảo mỗi lần viết mới có sự đóng góp của hiểu biết từ lần viết cũ. Những người tiếp cận với viết theo hướng "trò chơi một lần" sẽ không thể nào chạm tới chiều sâu bạn đã khám phá.
Thế nên, hãy luyện tập.
2. Tinh gọn, tối ưu, mở rộng vòng lặp bằng cách theo đuổi các nguyên tắc
Lý do tôi lặp đi lặp lại các nguyên tắc trong #W4GZ bởi đó sẽ là hành trang các bạn mang theo khi đào sâu vào kỹ năng viết với các vòng lặp. Dù đó là viết một bài, một đoạn hay một câu, hãy giữ trí óc của bạn tập trung vào các nguyên tắc sau:
Việc bám sát các nguyên tắc, trong lúc lặp đi lặp lại công việc viết, sẽ giúp cơ thể và tâm trí bạn ngày càng vững vàng và sâu sắc. Mọi thứ có thể rời rạc, nhưng càng ngày sẽ càng chặt chẽ. Mọi thứ có thể dài dòng, nhưng càng ngày càng ngắn gọn. Mọi thứ có thể không liên quan và chứa đầy định kiến, nhưng càng ngày càng gần hơn với sự thật. Hãy ghi nhớ những điều tôi đã nhắn nhủ và hãy tự xây dựng các giá trị cốt lõi của riêng mình. Chúng sẽ dẫn bạn qua các vòng lặp và cuối cùng đưa bạn tới nơi bạn xứng đáng.
Từ các nguyên tắc này, bạn sẽ tìm thấy các phương pháp nhỏ hơn. Chẳng hạn, bạn sẽ tìm kiếm những từ ngữ chính xác và có sắc thái cụ thể hơn để nói điều bạn muốn với ít ký tự hơn. Hoặc, bạn sẽ tìm thấy những cấu trúc chuyện kể nổi tiếng để thử nghiệm cho thông điệp của mình. Có rất nhiều phương pháp khác nhau và chúng luôn nằm rải rác ngoài kia. Nhưng chỉ những ai biết mình muốn gì, mới biết được mình cần gì và từ đó, tìm thấy giá trị của những thứ mọi người vẫn thường bỏ quên. Tôi hy vọng các bạn sẽ tìm được nhiều phương pháp sáng tạo và hiệu quả trên con đường truy cầu sự liên kết, ngắn gọn, chân thành và chính xác.
Vòng lặp phản hồi (feedback loop)
Để theo đuổi các vòng lặp một cách lâu dài và hiệu quả, bạn cần tới những phản hồi. Sự cố chấp hoặc cái tôi quá cao có thể khiến ta chìm vào những sai lầm cố hữu không thể sửa. Sự lặp đi lặp lại của tính cố chấp này qua các vòng lại, lại dẫn ta đi xa khỏi mục tiêu ban đầu hơn, tới mức không thể quay trở lại. Do vậy, với các mục tiêu và nguyên tắc đã biết, ta luôn cần tới phản hồi để xem liệu mình đã làm đúng, từ đó sửa sai hoặc củng cố hành vi tích cực ở các lần lặp trong tương lai.
Đối với viết lách, tác giả cần thiết lập các phản hồi trong hai vòng lặp của mình bằng cách:
1. Vòng phản hồi tự thân (internal feedback loop)
Sự phản tư (Self-Reflection) là điều cần thiết để một người tự nhìn lại những việc đã làm và đánh giá nó. Hãy cố gắng phản tư liên tục, không ngừng nghỉ và học cách phản tư hiệu quả để đảm bảo mọi thứ trở nên tốt hơn qua mỗi lần lặp.
Trong vòng lặp này, người viết đóng vai trò là nhà phê bình của chính mình, sử dụng các kỹ thuật như đọc to, phác thảo lại (outline) cấu trúc từ bài viết để kiểm tra tính mạch lạc, đánh giá tính rõ ràng, tính ngắn gọn và xem xét giọng điệu.
Một người viết càng dễ dãi, tức lười biếng trong việc tự sửa bài hoặc quá tin tưởng bản thân đến mức tin rằng mọi thứ được viết đều là tốt nhất, sẽ rất khó viết tốt hơn qua thời gian dài.
Một tác giả tốt không chỉ liên tục phản tư ở từng bài viết, còn nghiêm túc làm việc này ở từng giai đoạn. Bạn có thể nhìn lại những bài viết cũ của mình để nhận ra vấn đề khi xưa bạn không nhận ra. Bạn cũng có thể lựa chọn những phương án thử nghiệm mới.
2. Đánh giá ngang hàng (peer review) và Vòng phản hồi khách quan (external feedback loop)
Hãy tìm kiếm những người bạn đồng trang lứa cùng trình độ, hoặc những người có chuyên môn tốt hơn, để nhờ họ đọc bài và chỉ ra những lỗi bạn không thể tự nhận ra. Tiến trình này được áp dụng trong mọi lĩnh vực viết chuyên nghiệp vì sự hiệu quả của nó. Việc bạn đang không ở trong môi trường chuyên nghiệp, nhưng muốn trở nên chuyên nghiệp, vậy trước hết nên học theo các thực hành và tìm cách tự ứng dụng.
Việc có người phù hợp để gửi bài của mình cho họ đọc rất quan trọng. Cơ thể và não bộ của bạn cần nó. Các thông tin mới, được gửi về liên tục, sẽ đóng góp rất nhiều trong việc cải thiện vòng lặp. Hơn hết, nó khiến vòng lặp không còn nhàm chán hay dễ đoán. Giờ đây, chúng tràn ngập bất ngờ bởi mỗi lần lặp bạn lại nhận ra những điều bạn chưa từng kỳ vọng.
3. Thử nghiệm phản hồi độc giả
Đừng ngại tìm kiếm nền tảng để đưa bài viết của mình đến nhiều người. Ý kiến của những người đã đọc bài viết của bạn có thể đại diện cho những người chưa từng đọc. Cũng giống làm các sản phẩm khác, hay làm một món ăn, việc đưa bài viết của mình cho người khác thưởng thức rồi quan sát, lắng nghe chia sẻ của họ, là cách tốt nhất để tìm cách cải thiện.
Tất nhiên, không phải lúc nào phản hồi từ những người lạ cũng giá trị. Tuy nhiên, điều này lại giúp bạn biết bài viết của mình phù hợp với ai và không phù hợp với ai.
Hơn hết, quá trình bạn cho người khác "đọc thử" bài viết của bạn, thực ra họ đang đọc thật. Vì vậy, việc đi tìm kiếm đóng góp cho bài viết của bạn, thực ra cũng là thực hành mở rộng đối tượng độc giả biết tới bạn.
Thế nên...
Làm thử cũng chính là làm thật. Làm thật cũng là đang thử.
Đôi khi, tâm lý "luyện tập" và "thử nghiệm" giúp bạn sẵn sàng làm việc lẽ ra bạn nên làm từ lâu. Nó thúc đẩy tiến trình. Thành ra, sự tự tin và tâm thế thoải mái khi thiết lập vòng lặp, và chăm chỉ tìm kiếm phản hồi để cải thiện vòng lặp, hóa ra chính là công thức bí mật đã dẫn một người tới con đường lao động chân chính. Những kẻ khác, bởi lo nghĩ quá nhiều và ngại ngần quá nhiều, đang để bản thân mắc kẹt và không thể cựa quậy.
Bài viết đã hoàn thành, có thể chỉ là bài nháp. Bài viết đã xuất bản, có khi chỉ mới là thử nghiệm. Càng đi về phía sau của cuộc hành trình, ta càng thấy ý nghĩa và giá trị của những việc ta đã trải qua. Cho phép bản thân trải qua mọi chuyện, vì vậy là cơ sở để đi tới đích (nếu có bất kỳ cái đích nào như vậy).
Mỗi khi viết xong bài, hãy mỉm cười và tự khích lệ. Bạn đã làm rất tốt. Giờ bạn đã sẵn sàng để tiếp tục. Nếu có mắc sai lầm, hãy xem đó là bài học. Bạn chưa thể làm tốt như bạn kỳ vọng. Nhưng giờ bạn cũng sẵn sàng để tiếp tục.
Chúc may mắn.
Last updated
Was this helpful?